Những tiếng gọi lấy đơn hàng của shipper trong hẻm nhỏ

Trưa cuối năm, con hẻm dẫn vào quán cơm tấm ở quận Bình Thạnh tấp nập màu áo xanh của shipper Grab đến lấy đơn hàng.

Xếp xe ngay ngắn, bốn shipper lần lượt vào quán đọc mã đơn. Bên trong, chị Trúc chủ quán cùng hai nhân viên gắp đồ ăn và múc canh cho vào hộp.

Nằm trong hẻm sâu và chỉ bán online qua ứng dụng, nhưng quán Thế Giới Cơm Tấm - Bún Thịt Nướng - Xôi Mặn được khá nhiều khách biết đến và chọn làm nơi mua đồ ăn trưa bằng cách đặt qua Grab và thường theo combo để nhận ưu đãi hấp dẫn.

Bỡ ngỡ lần đầu bán qua app

Chuỗi cơm tấm - bún thịt nướng của vợ chồng chị Hoàng Thị Hoa (37 tuổi, chủ quán) có đến 6 chi nhánh ở TP.HCM và 1 quán ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Chị Hoa kể mình mở quán đầu tiên từ năm 2018, song lúc đó chủ yếu bán tại chỗ vì… không biết bán online là thế nào.

Ban đầu, chị chủ yếu bán cho khách ăn tại chỗ vì chuyện đưa quán của mình lên bán online qua các ứng dụng còn khá mới đối với anh chị. Khi thấy nhiều người bán online khá thành công, chồng chị Hoa bắt đầu học hỏi.

Khi mới liên kết ứng dụng, anh chị gặp không ít bỡ ngỡ. "Chồng tôi đi ra ngoài thấy các quán hay bán thông qua app nên tìm hiểu, mày mò từ từ. Lúc đầu chỉ đăng ký bán thôi chứ chưa rõ về các app bán hàng. Khi có đơn, tôi còn không biết xem đơn ở đâu, hay làm thiếu món cho khách".

Sau một thời gian, vợ chồng chị quen cách sử dụng app và thành thạo bán online với quán đầu tiên ở hẻm đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp. Khi doanh số tăng, chị mở thêm các chi nhánh khác. 

Tương tự, chị Huỳnh Thị Trúc (38 tuổi, chủ shop hoa Iris ở quận Bình Thạnh) cũng thừa nhận có nhiều tiện ích trong việc liên kết với ứng dụng giao hàng để bán online, nhất là đối với cửa hàng nằm trong hẻm sâu ít người biết đến.

Chị Trúc mở tiệm hoa từ tháng 9-2022, mới dời vào hẻm sau thời gian bán ở mặt tiền diện tích nhỏ.